Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà
Tháng Tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm
Tết Đoan ngọ xưa và nay đều vậy không nặng về nghi lễ cúng bái như tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Trùng thập…, nghi lễ thường đơn giản, chỉ thuần tuý là một ngày vui chơi, nghỉ ngơi sau một vụ mùa làm lụng vất vả .Tết Đoan ngọ có nhiều tên gọi khác nhau: tết Đoan Dương, Trùng ngũ, Đoan ngũ nôm na giản dị thuần Việt nhất là tết giết sâu bọ.Đoan ngọ nghĩa là gì? Đoan nghĩa là mở đầu, ngọ nghĩa là giữa trưa, giờ ngọ, tháng năm âm lịch cũng là tháng ngọ.
Có nhiều lý giải về bắt nguồn Tết Đoan Ngọ, người Trung Quốc tổ chức tết này là dịp để tưởng nhớ đến Khuất Nguyên vì can gián vua không thành đã nhảy xuống sông Mịch La tự tận vào ngày 5 tháng 5 hơn 2000 năm trước. Vào ngày này, người dân Trung quốc nói chung và một số dân tộc đã từng bị ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa tổ chức những nghi lễ để tưởng nhớ, làm bánh nếp ném xuống sông cúng tế Khuất Nguyên.
Ở Việt Nam, ít người biết đến cái nguồn gốc tưởng nhớ Khuất Nguyên. Có thể tết này sơ khai là cái tết thuần văn hoá việt, khi người Hán vào và đã ấn cho nó cái lí do đó theo một chủ đích nhất định, hoặc có thể nó vốn made in Hán nhưng đã bị Việt hoá làm cái dấu ấn văn hóa Hán bị lu mờ để giờ chúng ta ăn Tết Đoan Ngọ mang đậm hồn cốt văn hoá Việt.
Chúng ta thường gọi nôm na ngày này là ngày tết giết/diệt sâu bọ. Đây là thời điểm người nông dân sau một vụ mùa vất vả ngược xuôi làm lụng, lúa gạo đã đầy bồ, sản vật cũng đương mùa dồi dào cần có một ngày nghỉ ngơi, làm mâm cơm tưởng nhớ, tạ lễ tổ tiên, trời đất đã độ trì . giống như cuối năm chúng ta có tết cúng cơm mới vào ngày 10 tháng 10 âm lịch vậy. Đây cũng là ngày bắt đầu của đợt nóng bức nhất trong năm, thời khắc chuyển mùa, dễ phát sinh dịch bệnh do vậy không nên làm việc vào ngày này, mọi người cần nghỉ ngơi, vui chơi nói như bây giờ là xả stress để mai tiếp tục cho những ngày mới.
Thành lệ, cứ sáng mồng năm nhà nhà gọi con cháu dậy sớm, tắm bằng nước lá , bôi vôi vào rốn , trỏ tay lên mái nhà , ăn hoa quả đầu mùa như đào, dưa hấu, mận và không thể thiếu món rượu nếp vàng óng, căng tròn hay món rượu nếp cẩm đỏ tím, thơm lựng được ủ từ vài ngày trước ,có nơi còn nhuộm đỏ móng tay móng chân bằng lá móng, đeo bùa. Tất cả những việc làm này đều với một mong muốn trừ tà ma, trừ bệnh tật để có một cơ thể khoẻ mạnh, các con sâu bệnh trú ngụ trong cơ thể vào ngày này sẽ bị say hoa quả, say rượu nếp mà bị tẩy trừ. Buổi trưa, vào lúc chính ngọ, nếu nhìn lên mặt trời và chớp mắt 7 lần với nam, 9 lần với nữ, hoặc lấy nước mưa tinh khiết thêm vào đó vài hạt muối hoặc giọt nước chanh thì mắt sẽ rất sáng, cả năm không lo bị bệnh về mắt. Cũng vào thời điểm chính ngọ theo quan niệm dân gian là thời điểm chính giữa năm, tính theo nông lịch cổ truyền của người Việt xưa( tháng 11 là tháng khởi đầu cả năm) là lúc dương khí lên cao nhất,cây cỏ hấp thụ được nhiều nhất tinh khí trời đất, giá trị dược tính cao nhất. Người ta thường đi hái lá, phơi khô tích trữ làm thuốc dùng cho cả năm chữa một số bệnh thông thường như cảm mạo, nóng sốt, tiêu hoá…. Các cây được hái thường là ngải cứu, hương nhu, lá bưởi, tía tô, kinh giới- các cây lá dễ tìm có đầy trong vườn nhà. Buổi trưa cả nhà sẽ làm cơm thắp hương, đặc sản mùa này là vịt thả đồng nên trong mâm cơm ngày này thường có món bún măng vịt.
Ở một số vùng xưa họ còn có tục khảo cây, những cây chưa ra quả hoặc ít quả vào ngày này sẽ bị khảo. Hai người, một ở trên , một ở dưới cây, người dưới sẽ “đánh đập”(gõ hoặc bạo lực hơn là chém vào cây) tra hỏi cây tại sao chậm ra quả, ít quả, doạ sẽ chặt bỏ cây đi, người trên cây sẽ van xin, và hứa năm sau sẽ ra thật nhiều quả. Chẳng biết, có linh không nhưng xưa mình cũng khảo cây nhãn ,năm sau nó ra quả thật.
Xưa còn có tục những chàng rể chưa cưới vào ngày này sẽ đi sêu bố mẹ vợ tương lai. Ở nông thôn, đây là lúc mùa vụ vừa xong, thường có lúa nếp mới, chim ngói ngon, vịt chạy đồng rất béo, hoa quả đầu mùa rất nhiều cho nên quà đi sêu thường là các sản vật đương mùa này, chàng rể giàu thì tết bố vợ bằng ngỗng còn thường là cặp vịt. Bây giờ lệ này đã mai một đi, chắc chỉ còn lưu giữ lại ở một vài nơi. Ngoài sêu tết bố mẹ vợ còn có con cháu sêu tết ông bà, trò sêu tết thầy dạy, …
Đấy là tết Đoan ngọ, tết giết sâu bọ của mươi năm về trước, tết này giờ đây đã thay đổi, không còn quan trọng và giản tiện đi rất nhiều nhất là thành phố. Chắc rằng chỉ mươi năm nữa nó cũng sẽ nhạt dần và chìm vào quên lãng mất.
Bây giờ, các bà các chị mua chút hoa quả , ít rượu nếp làm sẵn đóng gói gọn gàng trong túi nilong để thắp hương, sau đó hạ lễ ,ăn chút gọi là. Các tục lệ như tắm lá, hái lá, nhuộm móng tay hay sêu bố mẹ vợ chắc chỉ còn ở ít vùng. Đơn giản như khi còn bé cũng chẳng xa bây giờ là mấy, ngày này, bà ngoại Khoai thường hay ủ rượu nếp, sáng gọi con trai con gái dậy sớm tắm bôi vôi vào rốn, nhưng giờ thì….mình cũng không làm cho con của mình cái việc đơn giản nhất là tắm lá cho hết rôm sảy cả năm. Giá trị nhân văn của cái tết này dần đang mai một theo thời gian theo nhịp sống hối hả nhưng biết đâu một lúc nào đó nó sẽ lại được phục hồi những giá trị nguyên sơ như thuở ban đầu.
NgocHan NgocHan
Trả lờiXóaMay 29, 2009 11:16 PM
ÔI! chả biết có giết được con sâu nào không chứ tôi bị đau bụng (đau dạ dày) suốt buổi sáng vì ăn mấy thìa rượu nếp với mấy quả vải. (Can tội ăn xong thì cũng nhịn ăn sáng luôn) he he!!!
Reply this comment
Mr Khoai Mr Khoai
May 30, 2009 12:00 AM
Đúng rồi, tôi cũng bị vậy.Đầu tiên định viết bài về món rượu nếp. Sau lan man sang tết đoan ngọ, Bây giờ rượu nếp không ngon như xưa nữa, xưa họ ..
Đúng rồi, tôi cũng bị vậy.Đầu tiên định viết bài về món rượu nếp. Sau lan man sang tết đoan ngọ, Bây giờ rượu nếp không ngon như xưa nữa, xưa họ làm bằng men của mình làm, giờ toàn men Tàu, ăn xong nó cứ xộc hay ợ ra cái mùi khó chịu(xin lỗi vụ này hơi tả thực tí) nhưng sự thật nó vậy đấy.