Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

VÂN ĐỒN- 2016



Quay lại Vân Đồn sau 10 năm, vẫn ở chính chốn cũ Mai Quyền. Đã có những sự thay đổi nho nhỏ. Cảnh vật có khác hơn trước, cây cối sau 10 năm đã thành rừng, bãi tắm đông người hơn, cây cầu năm xưa mục nát giờ đã được tu chỉnh lại vững chãi. Tiếc là mấy ngày không có lúc nào trời quang để mây, núi, biển trời hòa một sắc xanh mê hoặc như lần trước. Bạn Xoài hôm đầu tiên rất thích bơi, lội vì mặt nước không có sóng, phẳng lặng như một cái hồ mênh mông. Không như năm ngoái mất đến ba đợt đi chơi để quen với biển, năm nay bạn thích thú lội nước bì bọp, sát giờ về hai mẹ con vẫn lao ra biển. Năm nay có nhiều anh chị đi cùng nên bạn thích lắm. Sóng không có nên yên tâm tha hồ vầy nước. 
 photo 3E5C0550-B78C-4DB9-923B-8DAA6D852002.jpg

 photo C9511A37-7FE5-4FCC-8DFF-BC869FDA330C.jpg


Một điểm đến khá thú vị trong hành trình lần này là Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (chùa Cái Bầu). Đứng trên sân chùa, phóng mắt ra khơi xa, thấy đảo lớn đảo bé, trùng trùng điệp điệp, ngắm màu cờ tung bay trong gió cảm giác thật thiêng liêng khó tả. 
 photo IMG_1858.jpg photo IMG_1876.jpg

 Sau mười năm, nếu ở một nơi khác đã có sự chuyển mình lớn lao, mạnh mẽ, sầm uất, nhộn nhịp hơn nhưng nơi đây vẫn như một cô nàng đang ngủ nướng chưa muốn tỉnh giấc để đón chờ...hoàng tử. Hihi. 
Bonus vài bức mẹ bạn Khoai Xoài với hậu cảnh nên thơ Vân Đồn, Bái Tử Long.
 photo F6FE00DE-592C-4733-8BE2-FEF1CD456F68.jpg 
 photo E501173D-C15D-42C5-98A9-F80BB608EBFD.jpg photo 3EABF849-4953-4950-9739-9A05138AC1A8.jpg

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

TRỒNG RAU SÂN THƯỢNG: BẠN CẦN LÀM GÌ?



Sau khi giải quyết các câu hỏi "cần gì", bạn sẽ phải thực hiện câu hỏi "làm gì" để có một vườn rau sân thượng tươi tốt. Đây là một câu hỏi khó, tốn nhiều thời gian nhất. Nhưng nếu bạn chăm chỉ, chuyên tâm một chút thì sẽ làm tốt. Ai trong chúng ta cũng tiềm ẩn trở thành một "nông dân" đấy là câu của một đồng nghiệp yêu quý của mình.
Việc đầu tiên: Làm các loại thùng như mình đã liệt kê ở bài "Cần gì". Thùng loại 1 mình đã giới thiệu ở bài làm thùng Earthbox, riêng loại thứ hai: trồng các loại rau ngập nước, bạn làm như sau: thùng xốp không thủng được cắt bớt chiều cao còn để tầm 30cm, gia cố bằng băng dính trong ngoài, đổ đất tầm 20 cm, chọc thoát nước cạnh bên thùng ở độ cao khoảng 23-25cm. mục đích là không để nhiều nước quá, tạo môi trường cho muỗi, với mực nước như vậy bạn tưới 1 lần ngập đến lỗ thoát, vài ngày sau mới phải tưới lại, ở mực nước này, bọ gậy không có khả năng tồn tại.
Thùng loại ba, bạn có thể xếp một lớp chai ở đáy làm như kiểu thùng @ tuy nhiên bạn nên làm bằng chai chắc chắn như chai dầu ăn, mình thường chỉ đục lỗ một mặt trên, các cạnh còn lại không đục, nước sau đó bị giữ lại trong chai.Mình làm thế vì mình tính đến chuyện sau này rễ cây ăn thủng thùng, khả năng giữ nước kém đi. Ngoài ra, gần đây với các thùng kiểu này mình sẽ chôn một cái chai dầu ăn 1 lít ở giữa thùng, chai được đục lỗ khá to ở phía trên 2/3 thân chai, phía dưới không đục lỗ, nắp cắt rộng ra hơn một chút. Cái chai này làm nhiệm vụ gì? Đó là khi tưới mình chỉ cần cắm thẳng vòi vào chai, nước qua các lỗ sẽ chảy ra ngoài, hoặc mình sẽ nhét rác hữu cơ đạm cao như đầu, ruột cá, vỏ tôm, đậu lạc mốc cùng với một lượng nhỏ trichoderma, phân trùn vào đây. Đó sẽ là một cái "kho" dinh dưỡng dành cho cây.
Bước thứ hai: Làm đất. Với các thành phần nguyên liệu như đã giới thiệu ở bài "Cần gì" bạn sẽ tiến hành làm đất với các bước sau. Đất phù sa, đập nhỏ, phơi khô. Xỉ than đập nhỏ. Dưới đây là tỷ lệ và khối lượng trộn cho một thùng xốp. Với một thùng Earthbox được kê dưới bằng hai viên xỉ, trồng các loại cây rễ ăn nông như mồng tơi, rau cải... bạn cần khoảng 10-15kg đất đã phối trộn. Đất được trộn các thành phần theo tỷ lệ: 60-65% đất phù sa còn lại là: xỉ than (2-3 cục), phân bò hoặc phân hữu cơ loại khác đã hoai, phân trùn, trấu hoặc mùn dừa, tro, một nắm vôi bột (1/2 hộp sữa chua) hoặc 1-2 thìa sữa chua nấm trichoderma.
Sau khi đã xong đất, đến việc cho đất vào thùng: Trải một lớp đất mỏng vào thùng  tiếp theo đến lớp rác hữu cơ như cuộng rau, bã đậu, vỏ dứa, đầu cá, vỏ tôm, cua, tiếp đến một phân trùn quế dày 2cm. Nếu bạn không có phân trùn bạn có thể lấy đất ở nơi nào có nhiều giun đất. Giun sẽ phân hủy cái đống rác hữu cơ kia thành một thứ mùn dinh dưỡng tuyệt vời cho cây, giun sẽ đào xới đất để đất luôn thông thoáng. Tiếp theo là đất đã phối trộn. Thế là xong một "cái nhà" cho cây cắm rễ rồi.
Bước thứ ba: Bố trí vị trí đặt nhà cho rau ở đâu trong sân. Mỗi cây có đặc tính sinh trưởng cũng như nhu cầu về nắng rất khác nhau. Có loại ưa nắng, loại cần vừa nắng. Loại ưa nắng thì phải có nắng trên 5 giờ nắng/ngày cây mới sinh trưởng tươi tốt. Các loại ưa nắng cụ thể như: rau muống, hẹ, mướp, rau lang, rau dền, chùm ngây. Loại cần nắng ở mức 3-5 giờ có: mồng tơi, rau ngót, rau cải, rau đay. Loại cần ít nắng hoặc ưa bóng dâm như: rau ngót nhật, sâm đất, lá lốt, gừng... Xác định được đặc tính này giúp bạn bố trí cây theo vị trí nắng để cây hấp thu và phát triển tốt nhất, cũng như đảm bảo vị ngon của rau, đặc biệt những sân thượng có mái che.
Bước thứ tư: Trồng rau. Bước này đơn giản như ăn kẹo vậy, chỉ có một vài lưu ý cho một vài loại cây. Tỷ như: mồng tơi ăn nông, bạn chỉ nên trồng nông nông và cần ít đất, hẹ thì bạn trồng theo từng khóm to, rau muống thì trồng cả cụm từ 3-5 cuộng/gốc, mướp thì cần nhiều dinh dưỡng, nhiều nước...Cái này theo thời gian cùng với việc trả lời câu hỏi "Học gì?" bạn sẽ có rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức.
Bước thứ tư: Chăm sóc và thu hái. Đây là một trong vài việc quan trọng và tốn nhiều thời gian. Mình chỉ viết vắn tắt một số nội dung cơ bản. Nội dung 1 : Tưới nước. Mỗi loại cây có nhu cầu nước tưới khác nhau. Có loại thì nếu nhiều nước quá rau nhạt, ăn mất ngon như ngót nhật hay bị úng chết và phát sinh sâu bệnh như rau cải. Loại mà ít nước quá dẫn đến rau có vị chát như rau muống, rau lang, mồng tơi. Thế nên bạn phải căn chỉnh và tìm hiểu dần, rút kinh nghiệm trong mục trả lời câu hỏi "Học gì"
Nội dung 2: Bổ sung dinh dưỡng. Cây cần bổ sung dinh dưỡng đều đặn sau mỗi lần thu hái, có những loại mà chỉ cần đất trộn như trên, ánh sáng và nước lã tưới đầy đủ rau cho thu hoạch đều đều tỷ như các em sâm đất, hẹ, ngót nhật, mồng tơi...Nhưng có các em cực kỳ háu ăn thì bạn phải bổ sung thêm dinh dưỡng cho chúng như rau lang, rau muống, mướp...Có nhiều nguồn bổ sung thêm ngoài phân hữu cơ có nước rác nhà bếp ngâm, nước tiểu, nước gạo...Đầu tiên mình cũng hăm hở đi ngâm nước rác nhà bếp từ cọng rau thừa, vỏ hoa quả và tả pí lù các thứ khác nữa nhưng mùi nó bốc khủng khiếp nên mình không làm nữa. Nếu bạn không ngại mùi, sân thượng rộng bạn có thể dùng đến loại nước dinh dưỡng này với tỷ lệ 1 nước ngâm cùng 7 đến  10 phần nước lã để tưới cho cây. Giờ mình chỉ dùng nước vo gạo, nước tiểu ngâm với vỏ chuối, mắt vỏ dứa trộn thêm tro để không phát sinh bọ còn lại thì bón thêm tý phân bò đã hoai. Với các cây lâu năm như chùm ngây, mình bỏ thêm vỏ tôm, đầu cá, xương cá, bã đậu vào gốc rồi lấp đất lên để cung cấp thêm dinh dưỡng.
Nội dung thứ 3: Xử lý sâu bệnh. Đây có thể coi là việc nan giải nhất trong việc làm vườn. Bạn phải xử lý rất nhiều loại sâu bệnh và côn trùng. Về cơ bản chia làm hai loại lớn: Loại ẩn dưới đất và loại trên lá. Loại ẩn dưới đất về đại thể đặc tính sinh hoạt là chúng sợ ánh sáng, sợ nóng nên chúng chỉ xuất hiện vào ban đêm như: sên trần (slug), các loại sên vỏ (snail) 
  photo A33524C7-C029-446B-A5D2-A3DBE68B0D47.jpg
Và một loại sâu màu đen, to béo như hình dưới đây tiếng Anh gọi là cutworm.
 photo 98EB01DD-9387-434D-8401-1115652212BB_1.jpg
Các loại này thì chỉ có thể xử lý chúng bằng một số cách: Kiểm soát đất trồng tốt bằng việc phơi khô sau mỗi mùa vụ, rắc thêm vôi bột; hai là ban đêm bạn sẽ thành dũng sĩ diệt sên, diệt sâu với một cái kéo trong tay. Thời gian thích hợp làm việc này là 9 giờ tối hoặc muộn hơn, khi không khí đã dịu mát hoàn toàn, từ dưới đất chúng bò lên mở tiệc trên lá rau rất rôm rả. Loại sâu cutworm còn bò tít lên tận giàn để chén những cái lá mà nó cho là ngon nhất. Với bọn sên trần (slug) bạn có thể kiếm cái vỏ sữa chua, đổ bia vào và đặt trong vườn, bọn chúng sẽ kéo đến nhậu và bị chết chìm hoặc say mà chết
 photo BC55FC20-60C6-4880-B580-FFC1A886A063.jpg
Loại trên lá có nhiều loại nhất từ vẽ bùa, sâu xanh, rệp xanh, rệp trắng, sâu róm....Hình ảnh mình lấy trên Pinterest sẽ cho bạn thấy các loại có thể có trong vườn nhà bạn.
 photo 69C96330-5BC7-4D14-84E0-3775C2288A4E.jpg 
Được chia ra hai loại là thiên địch và sâu bệnh
 photo FBA4C460-ED32-4C35-B7F6-6B52F9F9423D.jpg 
Với các loại sâu bệnh, trừ sâu róm(thời điểm xuất hiện đầu Hè) mình thấy đâu thì giết đó còn lại thì mình sẽ làm theo một số hướng. Một là, mình thu hái luôn để chén trước khi chúng lây lan ra rộng nếu rau gần ăn hoặc đến cữ ăn được. Hai là, phun thuốc lào ngâm rượu thêm nước lã. Ba là, nếu không thay đổi thì mình phá bỏ, xử lý lại đất và trồng loại khác vào đó.
Để khỏi đau đầu với việc phòng ngừa, chống các loại này mình thấy các bạn có thể xử lý bằng việc: 1. Căng lưới để bướm không vào vườn đẻ trứng, sinh sâu bệnh, cách này có nhược điểm là bạn phải thành ông/bà mối cho mấy loại mướp, dưa chuột... 2. Xử lý đất sau mỗi mùa vụ bằng việc phơi khô, thêm vôi bột, thêm nấm trichoderma ( nấm này hữu hiệu để hạn chế sâu vẽ bùa)...
Về các loại thuốc trừ sâu thảo mộc, nông dân nhà phố hay nhắc đến dung dịch tỏi, ớt, riềng, rượu, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của mấy bác trồng rau gần nhà về độ hiệu nghiệm của nó mình không có làm lần nào (thêm nữa là mình...lười). Ngoài thuốc lào ngâm rượu bạn có thể bổ sung thêm dung dịch: backing soda+nước rửa chén+nước lã để phun cho cây. Hoặc một số loại tự chế như hình mình lấy từ nguồn Pinterest. Phần này sẽ được bổ sung ở bài Học gì. Còn nếu mấy loại trên không đỡ bạn có thể dùng đến thuốc sâu sinh học Thần điền với thời gian cách ly là 3 ngày. 
 photo E9D13CF6-0E72-4A92-807B-C749A48E8682.jpg
Tạm thời mẹ cháu mới hệ thống được đến đây. Các bác có thể tham khảo thêm từ các nguồn trang khác để hiểu hơn về trồng rau sân thượng. Xin nhắc lại, đây chỉ là những ý kiến và kinh nghiệm chủ quan của mình nhé. Hehe

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

TRỒNG RAU SÂN THƯỢNG- BẠN CẦN CÓ GÌ?




Mình viết bài này dành cho một số bạn inbox hỏi mình cách trồng rau như thế nào? Tại sao em trồng không lên, tại sao mình trồng bị chết. Có rất nhiều băn khoăn cho một nông dân bê tông làm thế nào để có một vườn rau xanh tốt, đúng chuẩn hữu cơ. Bài viết này mang tính chất kinh nghiệm cá nhân của một nông dân mất gốc ba đời với hơn một năm trồng rau có thành công và thất bại, theo một tiêu chí hướng đến là đơn giản hóa mọi việc. Bạn cần phải trả lời và làm theo một số câu hỏi sau:
Bạn cần có gì?
Bạn cần làm gì?
Bạn cần học gì?
Trồng rau sân thượng rất tốn thời gian, công sức và tiền bạc. Nếu trồng hoàn toàn hữu cơ thì còn tốn kém hơn nữa nhưng bù lại bạn sẽ thu nhận được nhiều giá trị hữu hình và vô hình. Giá trị hữu hình là gì? Bạn và gia đình có rau sạch để ăn, giá trị vô hình cho bạn cái gì? Bạn có một không gian sống xanh, bạn có những trải nghiệm thú vị khi chăm sóc vườn tược, bạn sẽ giảm được các nguy cơ bệnh tật, giảm căng thẳng mệt mỏi...
Quay trở lại với ba câu hỏi trên, ở bài viết này mình sẽ trả lời câu hỏi đầu tiên: Bạn cần có gì?
Đầu tiên, cái bạn cần là một không gian đủ để bạn kê được tối thiểu 40-50 thùng xốp cỡ trung bình đảm bảo cung cấp rau ăn cho 5 người, vì vậy diện tích cần có là từ 15m2 trở lên. Sân thượng nhà bạn có thể có mái che hoặc không mái che. Không có mái che có những ưu điểm, nhược điểm, nhưng không có mái dễ dàng khắc phục hơn có mái. Với sân thượng không có mái bạn không lo thiếu điều kiện cần thứ hai đó là: Nắng. Bởi vì, dù nhà bạn có quay hướng nào thì vẫn có đủ nắng. Nhưng sân có mái thì bạn lại phải có điều kiện kèm theo: có ít nhất ba mặt không tiếp giáp nhà hàng xóm để có nắng chiếu tối thiểu là 4 tiếng. Không có điều kiện kèm theo này bạn vẫn ấp ủ ý tưởng trồng rau thì bạn phải gỡ mái tôn ra và thay bằng mái nhựa trong.
Cái bạn cần tiếp theo là bạn phải xử lý để không gây ra việc thấm nứt sàn. Mặc dù nhà mình đã được xử lý chống thấm, có mái che, nhưng mình vẫn quan tâm vấn đề này hàng đầu. Gần như tất cả các thùng chậu trồng cây được làm theo mô hình Earthbox, được kê cao trên so với mặt sàn từ 30-50cm, dòng chảy của thoát nước được đảm bảo thông thoáng. Bạn phải lưu ý vấn đề này nếu không muốn một tiền gà mười tiền thóc nhé.
Tiếp theo bạn cần có: Vật chứa (thùng xốp hay chậu thông minh), chất trồng bao gồm: đất sạch (đất phù sa), phân bò/ phân gà/phân chuồng đã hoai mục, phân trùn, xỉ than, trấu tươi/ mùn dừa( đã xả chát), tro và rác hữu cơ như cuộng rau, bã đậu, vỏ dứa, đầu cá, vỏ tôm, cua; các yếu tố vi lượng để cải tạo đất và kháng bệnh: vôi bột, nấm trichoderma.
 Thùng xốp có tất cả ba loại: Với quy mô 40-50 thùng bạn có thể chia ra: 30 thùng làm theo mô hình Earthbox, 10 thùng xốp trồng rau ngập nước (muống (mùa Hè), cần và cải soong (mùa Đông), rau gia vị: ngổ, rau răm), 10 thùng xốp không thủng đáy có thoát nước cách đáy 5-7cm để trồng các cây lưu niên có rễ cọc và ăn sâu như: chùm ngây, rau ngót, kể cả ngót nhật....
Mình xin lưu ý chi tiết rất quan trọng là đất trồng. Nếu bạn tìm được nguồn cấp đất uy tín thì bạn không phải tốn nhiều thời gian cho việc phối trộn đất trồng. Trong thực tế thì một số nơi họ trộn đất chỉ trồng rau tốt được một vụ, vụ sau rau lên rất lẻo nghẻo. Chưa kể nếu như họ trộn thêm NPK vào trong đất, thì mục tiêu hướng đến rau sạch chuẩn hữu cơ đã hoàn toàn phá sản mà bạn hoàn toàn không hay biết. Vì thế, mặc dù rau bạn trồng ra, rau bạn không sử dụng thuốc trừ sâu, nhưng rau bạn trồng có dư lượng Nitrat...Nếu bạn không tìm được nguồn cấp đất uy tín, bạn phải tự đi tìm kiếm đất thì lại có thêm một lưu ý: không nên chọn đất ở ruộng đã được trồng rau màu vì một lý do rất đơn giản, đất đó đã được trồng rất nhiều năm, được bón tắm và ngấm rất nhiều phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu.
Cái bạn cần tiếp theo là giống cây trồng. Với một nông dân sân thượng tập sự, tôi khuyên bạn nên mua giống sẵn. Bởi đơn giản khi mới trồng rau, ai cũng hừng hực khí thế tiến quân vào...nông nghiệp vậy mà sau hai tuần gieo cấy, mất bao công sức tưới tắm mới lên được vài cái lá thì tâm lý, khí thế sẽ hơi xuống xuống. Thay vì thế, bạn mua giống sẵn, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian tối thiểu là hai tuần. Sau hai tuần lập vườn, bạn đã có một cái vườn xanh xanh, xinh xinh để mà khấp khởi mong chờ thành quả. Ở những vụ tiếp theo, khi đã có nhiều kinh nghiệm, dư dả thời gian, tâm lý thoải mái bạn hãy mua hạt giống về gieo hoặc lưu lại hạt giống từ cây đã gieo trồng vụ trước như hạt mồng tơi, rau dền, rau đay....
Bạn cần trồng các loại cây gì? Thường thì phải theo nhu cầu sở thích của bạn. Mình chỉ gợi ý mấy loại dễ nhất và ít sâu bệnh theo ý kiến, kinh nghiệm chủ quan của mình, không tham khảo luận cứ khoa học đâu nhé. Tỷ như mùa Hè này bạn có thể trồng: mồng tơi, rau đay, rau dền, rau ngót, rau ngót nhật, rau muống, chùm ngây, rau lang, rau sâm đất và đặc biệt là món hẹ. Cách trồng các loại, tỷ lệ cây giống chia vào các thùng sẽ có ở bài tiếp theo: Làm gì?

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

"Người ơi người ở đừng về"

Hôm nay, một số thầy cô, bạn bè và các học trò thân thiết của chị đã cùng nhau đưa một phần tro cốt của chị về với quê hương thứ hai của chị. Tin chị ra đi mãi mãi đã khiến bạn bè, đồng nghiệp bất ngờ và thương tiếc. Chị là một người bạn nước ngoài mà tôi yêu quý. Hai chị em biết nhau hơn chục năm, chị đã có mặt trong những thời điểm quan trọng của cuộc đời tôi, khi tôi kết hôn, khi tôi có đứa con đầu lòng, chị đều đến tận nơi chúc mừng và chia sẻ. Mỗi dịp chị sang, hai chị em lại hẹn hò gặp mặt, lại hoan hỷ nhận những món quà bé xinh chị cẩn thận chu đáo chuẩn bị. Chị - một người mà tôi nghĩ trong tâm trí mọi người luôn được dành cho những lời nhận xét tốt đẹp nhất: chu đáo, cẩn thận, thân thiện... Tôi nhớ mãi ánh mắt rất vui của chị khi chị thông báo sắp sang Úc dự hội thảo. Một người lúc nào công việc cũng là hàng đầu và toàn thời gian nhưng lại vẫn chu đáo với tất cả các mối quan hệ. Chị đi cũng sắp được một tháng, hôm nay chị đã ở lại mãi mãi nơi mảnh đất Việt Nam này. Nơi mà chị coi là quê hương thứ hai, nơi mà chị bảo chắc tiền kiếp chị là con dân nước Việt. Giữa dòng sông Mẹ, trước vong linh chị, tôi chúc chị về với cõi cực lạc luôn an vui. Tôi tin người như chị sẽ được ở bên những đấng chí linh. Sông ơi, hãy đón chị trở về, ôm ấp và chở che cho một người con đất Việt từ tiền kiếp, một người Thái yêu tiếng Việt, yêu Việt Nam bằng một tình yêu chân thành. Thương nhớ tiễn chị!

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

ĐẢO HÒN DẤU




Đã đi Đồ Sơn nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên đặt chân khám phá Đảo Hòn Dáu. Mất 10 phút đi thuyền nhưng tưởng như lạc vào một thế giới khác: hoang sơ, giản dị đối lập hoàn toàn với những ồn ã bên kia bến tàu.
Thong thả chậm rãi thả bước trong rừng nguyên sinh toàn đa búp đỏ cảm giác thật thanh bình. Những cây đa cao lớn, thả từng chùm rễ vững chãi, mạnh mẽ bám vào đất. Cây lá, dây leo đan ken xanh rì. Cùng với tiếng lá đưa xào xạt, văng vẳng tiếng sóng vỗ vào vách đá rì rầm. Đi tiếp lên là trạm khí tượng, tưởng như lạc vào bối cảnh truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa". Đi tiếp đến đỉnh đảo là hải đăng đảo Hòn Dấu. Leo đến đỉnh hải đăng cảm giác bao chùm lúc đó là rợn ngợp, khi phóng tầm mắt ra xa, khi gió biển hun hút phả vào người mát lạnh.
Chính phủ đã phê duyệt dự án lấp biển nối đảo với đất liền, sẽ làm các dự án nhà ở và vui chơi mà không động đến cảnh quan đảo Dấu. Trong lòng mơ hồ dấy lên nỗi niềm tiếc nuối nho nhỏ, liệu sau vài năm nữa, có còn cảnh quan yên bình, hoang sơ, nguyên thủy như bây giờ không nhỉ?

 photo 45081577-E447-418F-B97D-B3391A3CBA2E.jpg
 photo 152C4748-0F4D-43CF-B151-90BE3329BC94.jpg photo 6561A3A2-A6A4-4C31-B381-88FA90B23097.jpg photo 44945353-5CF3-4707-97FF-8A97D0B68FCA.jpg

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

SỰ KIỆN CUỐI TUẦN



Cuối tuần, bố và bà về quê tham dự lễ sang nhà mới cho cố nội, nhà có ba mẹ con ở nhà. Và trong ba ngày này có một sự kiện vô cùng trọng đại đã xảy ra: Bạn Khoai đã biết rửa bát. Lần một bạn còn vụng về, lần hai bạn đã khéo léo hơn, biết miết, xoáy, kì cọ rất sạch sẽ. hihi. Có một lần không bị ướt áo, còn lại là rửa xong đồng thời phải thay áo. Bạn làm việc rất tự giác. Bạn làm việc tự giác bởi bạn: được trả lương. 
Câu chuyện bắt nguồn từ hơn nửa tháng trước. Vào một buổi tối mùa Đông lạnh lẽo, mẹ bạn lôi con lợn bạn nuôi bao năm nay bằng tiền mừng tuổi ra, moi móc bằng sạch sẽ không còn cắc bạc nào ở trong. Sau đó bố bạn cẩn thận kiểm đếm, thống kê, phân loại. Số tiền được chia làm hai phần: một phần lớn trị giá ba triệu hơn đưa cho mẹ gửi ngân hàng, hihi, một phần nhỏ gồm các đồng bạc lẻ giao cho bạn làm quỹ riêng trị giá...80k. Số tiền này bạn được dùng để mua truyện, bút, thước, sách trong trường hợp bị mất, bị thiếu. Thế là đang từ một anh "đại phú" bạn bỗng chốc hơi hơi nghèo. Để cải thiện tình trạng hơi nghèo bố mẹ bạn gợi ý bạn cuối tuần nên làm việc nhà để được trả lương. Bạn có hào hứng tham gia một số công việc được sai như gấp quần áo, hót rác, đổ rác, trông em hay kể cả giúp mẹ xúc cơm cho em Xoài. Cuối tuần trước là đầu tháng Tư, từ tối bạn đã gợi ý là hôm nay mẹ chưa trả lương tháng cho con. Mẹ bạn bảo thôi để sáng vì giờ mẹ ngại xuống nhà. Bạn có chút hơi hụt hẫng và bảo giá mà Xoài lớn rồi Xoài xuống lấy ví cho mẹ.
Sáng sớm Chủ nhật, bạn dậy từ rất sớm, gặp mẹ bạn bảo: mẹ có biết ở Phương tây í, họ miết miết hai đầu ngón tay thế này nghĩa là gì không? Mẹ bạn bảo là tiền hả con. Mẹ bạn bla bla bla một vài câu, đấy là biểu tượng về tiền....Xuống dưới nhà bạn đưa hai ngón tay miết miết trước mặt, mẹ bạn vô cùng chậm hiểu lại hỏi : Sao hả con? Bạn bảo: Mẹ chưa trả lương. Hihi. Trong túi còn 26k nên mẹ đưa bạn. Bạn bối rối, sao ít thế? Ờ, thì....bla bla..bla. Bạn cũng vui vẻ chấp nhận mức lương bèo bọt đó với niềm tin mình vẫn giàu hơn nhiều bạn khác trong lớp khi có tận 106 nghìn. Hihi.
 photo DSC_0947.jpg

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Cách làm thùng xốp trồng rau theo Earthbox

Earthbox không phải quá xa lạ với người trồng rau, nó chính là chậu trồng rau thông minh mà chúng ta vẫn hay thấy. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng nó chưa đúng công năng điển hình như việc: khoan lỗ dưới đáy để thoát nước cho nhanh hoặc khoan bên cạnh nhưng quá sát đáy làm mực nước dự trữ không nhiều; bỏ cái lưới nhựa đen ở đáy chậu đi để tăng lượng đất lên. Nguyên lý sử dụng của cái chậu thông minh rất đơn giản, nó là mô phỏng quả đất của chúng ta trong đó có cả các mao mạch dẫn nước, có nguồn nước ở dưới, có lối dẫn khí và nước xuống dưới.
Chúng ta có thể mua chậu thông minh hay tự làm những cái Earthbox bằng thùng nhựa để trồng rau như thế này:

Vấn đề là chi phí cho một vườn rau sử dụng thùng hoặc chậu thông minh khá lớn. Mẹ Khoai Xoài đã ứng dụng mô hình này cho thùng xốp và thấy rất đơn giản, cực nhàn cho một người lười như mẹ cháu.
Nguyên liệu:
- Thùng xốp không thủng đáy (có thể gia cố bằng băng dính kín quanh 1/2 thùng)
- Nắp thùng xốp
- Xỉ than tổ ong hoặc xốp cứng, gạch gỗ (nên dùng vật liệu nhẹ)

- Vỏ chai nhựa Lavie hoặc chai dầu ăn: cắt làm đôi và dùi lỗ; muốn bền đẹp có thể dùng cái giỏ nhựa 


- Một đoạn ống nước hoặc ống gen điện (chọn ống gen điện vì rất rẻ, có vài k/m)

Cách làm:
- Bước 1:  Cắt bớt bốn cạnh nắp thùng xốp sao cho nhét vừa vào trong thùng. Tiếp đó, lấy que  nhỏ bằng ngón tay út chọc chi chít các lỗ nhỏ trên phần nắp (mục đích để rễ cây sau này có lối đi xuống phần nước dự trữ ở dưới, nước bốc hơi ẩm đi lên mặt đất) tiếp theo khoét một hình tròn ở giữa phần nắp độ rộng bằng đáy chai nhựa Lavie.
- Bước 2: Đặt hai viên xỉ than vào trong thùng rồi đậy phần nắp đã làm ở B1 lên trên.
- Bước 3: Nhét nửa vỏ chai nhựa đã cắt và đục lỗ vào phần lỗ tròn đã khoét trên nắp thùng. Nhét sâu xuống chạm đáy thùng. Chai nhựa này sau khi đã đổ đất vào trong và lên trên nắp làm nhiệm vụ dẫn nước lên bề mặt đất. Thùng to nên làm hai cái.
- Bước 4: Cắm phần ống gen điện xuyên qua nắp xuống phía dưới. Phần ống này có tác dụng khi cần đi xa vài ngày rót nước trực tiếp xuống đáy dự trữ và giúp việc quan sát mực nước dễ hơn. Cắt 1/3 chai lavie phía trên chụp vào đầu đoạn ống gen điện, nó giống cái phễu để khi rót nước vào dễ dàng hơn.

- Bước 5: Đục 4 lỗ thoát nước và cung cấp khí ở bên cạnh thùng, độ cao dưới hoặc trên phần nắp thùng đã được đặt vào. Muốn có nhiều khí cung cấp cho rễ cây, các lỗ nên đục dưới nắp 1 cm. Không nên đục thấp quá vì khối lượng nước dự trữ ở đáy thùng sẽ không được nhiều.
Mất khoảng 5-10p với 5 bước như trên là xong một cái thùng giờ thì “người nông dân” chỉ việc đổ đất lên trên và gieo hạt.



Ưu điểm của thùng:
- Tiết kiệm tiền làm thùng với một chi phí khá rẻ. Tiền nguyên liệu khoảng 8k. bao gồm 5-6 k cho thùng và 1-2k cho đoạn ống gen điện. Các vật liệu khác bạn hoàn toàn có thể xin được miễn phí.
- Tiết kiệm nước, không phải tưới nhiều, đất thì luôn ẩm đủ nước và đủ khí.Khi cần đi đâu xa vài ngày, đổ nước qua phần ống gen cho chảy trực tiếp xuống dưới. Khi thấy nước chảy ra từ lỗ thoát nước và khí thì dừng lại.
- Tiết kiệm được đất trồng vì có nước dự trữ dẫn lên trên nên chỉ cần lượng đất vừa đủ.
- Đất không bị ngâm lưu cữu trong nước (chỉ có một phần rất nhỏ đất trong chai nhựa làm nhiệm vụ dẫn nước dự trữ từ dưới lên trên) nên không bị bí, xẹp đất hoặc có mùi khó chịu so với các thùng xốp thông thường ta vẫn để thoát nước cách đáy thùng 5 cm.
- Rễ cây và đất được cung cấp đủ khí theo các hướng: hai bên thùng qua các lỗ thoát, từ trên xuống qua đoạn ống nhựa
Muốn có một vườn rau sân thượng xanh tốt hiệu quả “nông dân bê tông” phải tiến hành nhiều việc như: làm đất, diệt sâu bệnh, bổ sung chất dinh dưỡng, chọn giống… Với cách làm thùng như trên, chúng ta đã giải quyết được vấn đề đầu tiên cơ bản trong trồng trọt đó là: NƯỚC.
Ps: Thùng Earthbox chuẩn còn có một màng nilong được phủ kín trên bề mặt đ hạn chế việc nước bốc hơi, nước bốc hơi, ngưng trên bề mặt nilong lại nhỏ xuống đất. Mẹ Khoai bỏ không dùng nó vì không đủ kiên nhẫn. Hihi.
Các bác "nông dân mới" có ththam khảo thêm các kinh nghiệm "còi" trồng rau sân thượng của mẹ Khoai Xoài ở các bài:  
                Trồng rau sân thượng: Bạn cần có gì?
                Trồng rau sân thượng: Bạn cần làm gì?
                Trồng rau sân thượng: Bạn cần học gì?