Sau khi giải
quyết các câu hỏi "cần gì", bạn sẽ phải thực hiện câu hỏi "làm gì"
để có một vườn rau sân thượng tươi tốt. Đây là một câu hỏi khó, tốn nhiều thời
gian nhất. Nhưng nếu bạn chăm chỉ, chuyên tâm một chút thì sẽ làm tốt. Ai
trong chúng ta cũng tiềm ẩn trở thành một "nông dân" đấy là câu của
một đồng nghiệp yêu quý của mình.
Việc đầu tiên: Làm các loại thùng như mình đã liệt kê ở bài "Cần gì". Thùng loại 1
mình đã giới thiệu ở bài làm thùng Earthbox, riêng loại thứ hai: trồng các loại
rau ngập nước, bạn làm như sau: thùng xốp không thủng được cắt bớt chiều cao
còn để tầm 30cm, gia cố bằng băng dính trong ngoài, đổ đất tầm 20 cm, chọc
thoát nước cạnh bên thùng ở độ cao khoảng 23-25cm. mục đích là không để nhiều
nước quá, tạo môi trường cho muỗi, với mực nước như vậy bạn tưới 1 lần ngập đến
lỗ thoát, vài ngày sau mới phải tưới lại, ở mực nước này, bọ gậy không có khả
năng tồn tại.
Thùng loại ba,
bạn có thể xếp một lớp chai ở đáy làm như kiểu thùng @ tuy nhiên bạn nên làm
bằng chai chắc chắn như chai dầu ăn, mình thường chỉ đục lỗ một mặt trên, các
cạnh còn lại không đục, nước sau đó bị giữ lại trong chai.Mình làm thế vì mình tính đến chuyện sau này rễ cây ăn thủng thùng, khả năng giữ nước kém đi. Ngoài ra, gần đây với
các thùng kiểu này mình sẽ chôn một cái chai dầu ăn 1 lít ở giữa thùng, chai
được đục lỗ khá to ở phía trên 2/3 thân chai, phía dưới không đục lỗ, nắp cắt rộng ra hơn một chút. Cái chai
này làm nhiệm vụ gì? Đó là khi tưới mình chỉ cần cắm thẳng vòi vào chai, nước
qua các lỗ sẽ chảy ra ngoài, hoặc mình sẽ nhét rác hữu cơ đạm cao như đầu, ruột
cá, vỏ tôm, đậu lạc mốc cùng với một lượng nhỏ trichoderma, phân trùn vào đây.
Đó sẽ là một cái "kho" dinh dưỡng dành cho cây.
Bước thứ hai: Làm
đất. Với các thành phần nguyên liệu
như đã giới thiệu ở bài "Cần gì" bạn sẽ tiến hành làm đất với các
bước sau. Đất phù sa, đập nhỏ, phơi khô. Xỉ than đập nhỏ. Dưới đây là tỷ lệ và
khối lượng trộn cho một thùng xốp. Với một thùng Earthbox được kê dưới bằng hai
viên xỉ, trồng các loại cây rễ ăn nông như mồng tơi, rau cải... bạn cần khoảng
10-15kg đất đã phối trộn. Đất được trộn các thành phần theo tỷ lệ: 60-65% đất phù
sa còn lại là: xỉ than (2-3 cục), phân bò hoặc phân hữu cơ loại khác đã hoai,
phân trùn, trấu hoặc mùn dừa, tro, một nắm vôi bột (1/2 hộp sữa chua) hoặc 1-2
thìa sữa chua nấm trichoderma.
Sau khi đã xong đất, đến việc cho đất vào thùng: Trải một lớp đất mỏng vào thùng tiếp
theo đến lớp rác hữu cơ như cuộng rau, bã đậu, vỏ dứa, đầu cá, vỏ tôm, cua,
tiếp đến một phân trùn quế dày 2cm. Nếu bạn không có phân trùn bạn có thể lấy
đất ở nơi nào có nhiều giun đất. Giun sẽ phân hủy cái đống rác hữu cơ kia thành
một thứ mùn dinh dưỡng tuyệt vời cho cây, giun sẽ đào xới đất để đất luôn thông
thoáng. Tiếp theo là đất đã phối trộn. Thế là xong một "cái nhà" cho
cây cắm rễ rồi.
Bước thứ ba: Bố trí vị trí đặt nhà cho rau ở đâu
trong sân. Mỗi cây có đặc tính sinh trưởng cũng như nhu cầu về nắng rất khác
nhau. Có loại ưa nắng, loại cần vừa nắng. Loại ưa nắng thì phải có nắng trên 5
giờ nắng/ngày cây mới sinh trưởng tươi tốt. Các loại ưa nắng cụ thể như: rau
muống, hẹ, mướp, rau lang, rau dền, chùm ngây. Loại cần nắng ở mức 3-5 giờ có:
mồng tơi, rau ngót, rau cải, rau đay. Loại cần ít nắng hoặc ưa bóng dâm như: rau ngót nhật, sâm
đất, lá lốt, gừng... Xác định được đặc tính này giúp bạn bố trí cây theo vị trí nắng để cây hấp
thu và phát triển tốt nhất, cũng như đảm bảo vị ngon của rau, đặc biệt những
sân thượng có mái che.
Bước thứ tư: Trồng rau. Bước này đơn giản như ăn
kẹo vậy, chỉ có một vài lưu ý cho một vài loại cây. Tỷ như: mồng tơi ăn
nông, bạn chỉ nên trồng nông nông và cần ít đất, hẹ thì bạn trồng theo từng
khóm to, rau muống thì trồng cả cụm từ 3-5 cuộng/gốc, mướp thì cần nhiều dinh
dưỡng, nhiều nước...Cái này theo thời gian cùng với việc trả lời câu hỏi
"Học gì?" bạn sẽ có rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức.
Bước thứ tư: Chăm
sóc và thu hái. Đây là một trong vài việc quan trọng và tốn nhiều thời gian. Mình
chỉ viết vắn tắt một số nội dung cơ bản. Nội dung 1 : Tưới nước. Mỗi loại cây
có nhu cầu nước tưới khác nhau. Có loại thì nếu nhiều nước quá rau nhạt, ăn mất
ngon như ngót nhật hay bị úng chết và phát sinh sâu bệnh như rau cải. Loại mà
ít nước quá dẫn đến rau có vị chát như rau muống, rau lang, mồng tơi. Thế nên bạn phải
căn chỉnh và tìm hiểu dần, rút kinh nghiệm trong mục trả lời câu hỏi "Học
gì"
Nội dung 2: Bổ
sung dinh dưỡng. Cây cần bổ sung dinh dưỡng đều đặn sau mỗi lần thu hái, có
những loại mà chỉ cần đất trộn như trên, ánh sáng và nước lã tưới đầy đủ rau
cho thu hoạch đều đều tỷ như các em sâm đất, hẹ, ngót nhật, mồng tơi...Nhưng có
các em cực kỳ háu ăn thì bạn phải bổ sung thêm dinh dưỡng cho chúng như rau
lang, rau muống, mướp...Có nhiều nguồn bổ sung thêm ngoài phân hữu cơ có nước
rác nhà bếp ngâm, nước tiểu, nước gạo...Đầu tiên mình cũng hăm hở đi ngâm nước
rác nhà bếp từ cọng rau thừa, vỏ hoa quả và tả pí lù các thứ khác nữa nhưng mùi
nó bốc khủng khiếp nên mình không làm nữa. Nếu bạn không ngại mùi, sân thượng
rộng bạn có thể dùng đến loại nước dinh dưỡng này với tỷ lệ 1 nước ngâm cùng 7
đến 10 phần nước lã để tưới cho cây. Giờ
mình chỉ dùng nước vo gạo, nước tiểu ngâm với vỏ chuối, mắt vỏ dứa trộn thêm tro để không
phát sinh bọ còn lại thì bón thêm tý phân bò đã hoai. Với các cây lâu năm như
chùm ngây, mình bỏ thêm vỏ tôm, đầu cá, xương cá, bã đậu vào gốc rồi lấp đất
lên để cung cấp thêm dinh dưỡng.
Nội dung thứ
3: Xử lý sâu bệnh. Đây có thể coi là việc nan giải nhất trong việc làm vườn. Bạn
phải xử lý rất nhiều loại sâu bệnh và côn trùng. Về cơ bản chia làm hai loại
lớn: Loại ẩn dưới đất và loại trên lá. Loại ẩn dưới đất về đại thể đặc tính
sinh hoạt là chúng sợ ánh sáng, sợ nóng nên chúng chỉ xuất hiện vào ban đêm
như: sên trần (slug), các loại sên vỏ (snail)
Và một loại sâu màu đen, to béo
như hình dưới đây tiếng Anh gọi là cutworm.
Các loại này
thì chỉ có thể xử lý chúng bằng một số cách: Kiểm soát đất trồng tốt bằng việc
phơi khô sau mỗi mùa vụ, rắc thêm vôi bột; hai là ban đêm bạn sẽ thành dũng sĩ
diệt sên, diệt sâu với một cái kéo trong tay. Thời gian thích hợp làm việc này
là 9 giờ tối hoặc muộn hơn, khi không khí đã dịu mát hoàn toàn, từ dưới đất chúng
bò lên mở tiệc trên lá rau rất rôm rả. Loại sâu cutworm còn bò tít lên tận giàn
để chén những cái lá mà nó cho là ngon nhất. Với bọn sên trần (slug) bạn có thể kiếm cái vỏ sữa chua, đổ bia vào và đặt trong vườn, bọn chúng sẽ kéo đến nhậu và bị chết chìm hoặc say mà chết
Loại trên lá có
nhiều loại nhất từ vẽ bùa, sâu xanh, rệp xanh, rệp trắng, sâu róm....Hình ảnh
mình lấy trên Pinterest sẽ cho bạn thấy các loại có thể có trong vườn nhà bạn.
Được chia ra hai loại là thiên địch và sâu bệnh
Với các loại sâu bệnh, trừ sâu róm(thời điểm xuất hiện đầu Hè) mình thấy đâu thì giết đó còn lại
thì mình sẽ làm theo một số hướng. Một là, mình thu hái luôn để chén trước khi
chúng lây lan ra rộng nếu rau gần ăn hoặc đến cữ ăn được. Hai là, phun thuốc
lào ngâm rượu thêm nước lã. Ba là, nếu không thay đổi thì mình phá bỏ, xử lý
lại đất và trồng loại khác vào đó.
Để khỏi đau
đầu với việc phòng ngừa, chống các loại này mình thấy các bạn có thể xử lý bằng
việc: 1. Căng lưới để bướm không vào vườn đẻ trứng, sinh sâu bệnh, cách này có
nhược điểm là bạn phải thành ông/bà mối cho mấy loại mướp, dưa chuột... 2. Xử
lý đất sau mỗi mùa vụ bằng việc phơi khô, thêm vôi bột, thêm nấm trichoderma (
nấm này hữu hiệu để hạn chế sâu vẽ bùa)...
Về các loại
thuốc trừ sâu thảo mộc, nông dân nhà phố hay nhắc đến dung dịch tỏi, ớt, riềng,
rượu, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của mấy bác trồng rau gần nhà về độ hiệu nghiệm
của nó mình không có làm lần nào (thêm nữa là mình...lười). Ngoài thuốc lào
ngâm rượu bạn có thể bổ sung thêm dung dịch: backing soda+nước rửa chén+nước lã
để phun cho cây. Hoặc một số loại tự chế như hình mình lấy từ nguồn Pinterest. Phần này sẽ được bổ sung ở bài Học gì. Còn nếu mấy loại trên
không đỡ bạn có thể dùng đến thuốc sâu sinh học Thần điền với thời gian cách ly
là 3 ngày.
Tạm thời mẹ
cháu mới hệ thống được đến đây. Các bác có thể tham khảo thêm từ các nguồn
trang khác để hiểu hơn về trồng rau sân thượng. Xin nhắc lại, đây chỉ là những
ý kiến và kinh nghiệm chủ quan của mình nhé. Hehe